Một số lưu ý về phong thủy khi thiết kế, bố trí gầm cầu thang
Tại các đô thị, nơi có nhiều nhà lầu, nhà cao tầng để tối ưu hóa diện tích đất ở vốn hạn hẹp, không gian trống dưới gầm cầu thang cũng được tận dụng.
Nhiều người tận dụng làm một phòng chức năng nào đó như phòng vệ sinh, chỗ làm việc, học tập hoặc để đồ. Một số gia đình còn đặt bếp tại khu vực này.
Tuy nhiên, xét về nguyên tắc phong thủy, gầm cầu thang thuộc âm, khá tối và nhiều bụi, ẩm không thuận lợi để bố trí các chức năng sinh hoạt hàng ngày vốn mang tính dương và cần thoáng đãng.
Nếu diện tích ngôi nhà eo hẹp, có thể tận dụng không gian gầm cầu thang làm kho, tủ đựng đồ hay phòng vệ sinh. Không nên bố trí bếp, ban thờ, phòng học, phòng ngủ, phòng làm việc dưới cầu thang.
Một số gia đình tận dụng không gian này để thiết kế các tiểu cảnh non bộ hay hồ nước. Tuy nhiên, theo lời khuyên của các chuyên gia phong thủy tại Trung tâm Phong thủy hiện đại, gia chủ chỉ nên trang trí tiểu cảnh khô ở gầm cầu thang, hạn chế tiểu cảnh nước.
Nếu khu vực này có ánh sáng tự nhiên chiếu vào, có thể thêm vào một vài chậu cây xanh để bổ sung sinh khí cho căn nhà.
Tuyệt đối tránh đặt hồ nước, bể cá khu vực này. Nhất là với những ngôi nhà có cầu thang nằm giữa nhà thì đặt hồ nước, bể cá ở gầm cầu thang là đại kỵ.
Trong trường hợp bất khả kháng, điều kiện không cho phép buộc phải sinh hoạt (ngủ, nghỉ, học tập) dưới khu vực gầm cầu thang, gia chủ nên lưu ý một số nguyên tắc sau:
- Giữ khu vực này sạch sẽ, thoáng đãng và nên bật đèn sáng thường xuyên bởi đây là vùng âm, tập trung nhiều khí xấu, ẩm mốc, bụi bẩn dễ gây hại.
- Bậc cầu thang phải làm kín tránh hở ở các bậc, điều này làm cho khu vực gầm cầu được yên tĩnh khiến người nằm nghỉ ở dưới có được cảm giác an tâm hơn.
- Vật liệu làm cầu thang tốt nhất là mang tính Thổ (đá, xi măng..) rồi đến Mộc (gỗ), tránh làm cầu thang bằng kim loại sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt bên dưới.
Post a Comment